Không chỉ là nước ngọt, Coca Cola còn là thương hiệu toàn cầu về "né thuế"
Coca Cola cũng như nhiều tập đoàn khác nổi tiếng với hành vi chuyển giá nhằm tối thiểu hóa lợi nhuận đóng thuế. Trước đó, cơ quan thuế Mỹ đã...
https://blogtrieudo.blogspot.com/2015/12/khong-chi-la-nuoc-ngot-coca-cola-con-la.html
Coca Cola cũng như nhiều tập đoàn khác nổi tiếng với hành vi chuyển giá nhằm tối thiểu hóa lợi nhuận đóng thuế. Trước đó, cơ quan thuế Mỹ đã truy thu và buộc công ty này phải trả 3,3 tỷ USD tiền trốn thuế.
Vào tháng 10/2015, tập đoàn Coca Cola tuyên bố đồng ý trả 3,3 tỷ USD tiền thuế mà chính phủ Mỹ cho rằng công ty này còn nợ. Trước đó, cơ quan thuế của Mỹ cho rằng Coca Cola đã chuyển một phần doanh thu tại Mỹ ra nước ngoài nhằm tránh các khoản thuế cao tại đây.
Cũng như nhiều tập đoàn đa quốc gia khác, nhiều chuyên gia cho rằng Coca Cola đã cố gắng giữ các khoản lợi nhuận của mình ngoài nước Mỹ nhằm tránh khoản thuế 35% tại đây. Mức truy thu 3,3 tỷ USD mới đây là khoản tiền cao thứ 16 trong bảng xếp hạng các khoản truy thu thuế tại Mỹ của tạp chí Forbes.
Đây không phải lần đầu Coca Cola bị cáo buộc trốn thuế khi năm 2012, nghị sĩ Sen Carl Levin cho rằng công ty này xếp thứ 11 trong bảng xếp hạng các tập đoàn giấu lợi nhuận tại nước ngoài. Theo đó, nghị sĩ Levin nhận định công ty đã giữ lại khoảng 13,9 tỷ USD, tương đương 88% trong tổng số 15,8 tỷ USD tài chính tại nước ngoài.
Vào năm 2004 và năm 2009, hãng tin Bloomberg cũng đã có bài điều tra cho thấy Coca Cola cùng nhiều tập đoàn khác đã sử dụng Đảo Cayman tại vùng Caribean-thuộc sở hữu của vương quốc Anh để làm nơi trốn thuế. Tổng thống Mỹ Barack Obama cũng đã từng tuyên bố sẽ chấm dứt tình trạng trốn thuế của các doanh nghiệp thông qua đảo Cayman.
Hiện vẫn chưa rõ Coca Cola sẽ phản ứng ra sao, nhưng rõ ràng tập đoàn này đã phải nhượng bộ trước cơ quan thuế của Mỹ khi đồng ý trả 3,3 tỷ USD.
Tổng thống Mỹ Barack Obama. CEO Coca Cola Muhtar Kent. Nghị sĩ Carl Levin.
Tại những thị trường khác như Mexico, Coca Cola cũng từng gặp rắc rối khi phương tiện truyền thông tại đây vào năm 2011 từng có những cuộc điều tra cho thấy công ty đã trốn thuế hàng triệu, thậm chí hàng tỷ USD trong vài thập kỷ qua. Tuy nhiên, những số liệu và thông tin này chưa được kiểm chứng cũng như không được chính phủ Mexico thừa nhận.
Hãng AMI cho biết Mexico là nước có tỷ lệ truy thu thuế thuộc hàng thấp nhất trong nhóm OECD. Ước tính mỗi năm nước này thất thu khoảng 50 tỷ USD do trốn thuế. Quốc gia này cũng là thị trường tiêu thụ Coca Cola bình quân đầu người lớn nhất thế giới. Dù tình trạng béo phì tại đây ngày một tăng cao nhưng do số tiền đóng thuế của Coca Cola quá lớn, qua đó chính phủ mưới có kinh phí đầu tư cho y tế và dịch vụ, nên nhiều chính trị gia nước này vẫn còn do dự trong việc đối phó với tập đoàn này.
Tại thị trường Đông Nam Á, Coca Cola cũng gặp nhiều vấn đề khi vào năm 2011, một chiến dịch tẩy chay Coca Cola tại Philippine đã được phát động với lý do hành vi trốn thuế của công ty đang phá hoại nền kinh tế nước này.
Một banner chiến dịch tẩy chay Coca Cola tại Philippine năm 2011.
Ở thị trường Việt Nam, Coca Cola cũng bị các phương tiện truyền thông theo dõi sát sao bởi hãng này bị cho rằng có hành vi trốn thuế. Theo đó, một số tờ báo cho rằng Coca Cola hay sử dụng phương pháp chuyển giá (Transfer Pricing), hay hành vi giao dịch giữa các công ty liên kết với mức giá phi thị trường nhằm tối thiểu hóa lợi nhuận đóng thuế.
Mới đây, Cục thuế thành phố Hồ Chí Minh đã xếp Coca Cola vào vị trí số 1 trong danh sánh các doanh nghiệp bị nghi vấn có dấu hiệu chuyển giá do liên tục kê khai lỗ trong nhiều năm. Đây được đánh giá là quyết tâm đáng ghi nhận của cơ quan thuế Việt Nam trước hành vi trốn thuế của nhiều tập đoàn.
Theo Trí Thức Trẻ/Tổng hợp