'Vua xi măng' Aliko Dangeto: Từ cậu bé bán kẹo đến tỷ phú giàu nhất châu Phi
Được mệnh danh là “ông vua xi măng” của châu lục đen, tỷ phú giàu nhất châu Phi - Aliko Dangeto còn khiến nhiều người bất ngờ về những bí m...
https://blogtrieudo.blogspot.com/2016/01/vua-xi-mang-aliko-dangeto-tu-cau-be-ban.html
Được mệnh danh là “ông vua xi măng” của châu lục đen, tỷ phú giàu nhất châu Phi - Aliko Dangeto còn khiến nhiều người bất ngờ về những bí mật xung quanh cuộc sống và con đường gây dựng tập đoàn Dangeto vĩ đại.
Sinh năm 1957 tại Kano, Nigeria, ngay từ nhỏ, cậu bé da đen Aliko Dangote đã rất đam mê kinh doanh. Cậu dành tiền tiết kiệm để mua kẹo và sau đó bán lại cho các bạn trong lớp với giá cao hơn để thu lợi nhuận. Chính niềm đam mê đó đã trở thành động lực để Aliko thi đỗ vào trường kinh doanh Al Azhar ở Cairo, Ai Cập.
Sau khi tốt nghiệp, ở tuổi 21, Aliko Dangote khởi nghiệp với 2 bàn tay trắng. Và 37 năm sau, ông trở thành người giàu nhất trong lịch sử Châu Phi và là người da đen giàu nhất trên Trái Đất.
Theo xếp hạng của Forbes năm 2015, vị tỷ phú có biệt danh “vua xi măng” của châu lục đen đang sở hữu khối tài sản 16,7 tỷ USD.
Mặc dù tài sản đã “bốc hơi” gần 5 tỷ USD so với năm 2014, vị tỷ phú này vẫn là người giàu nhất châu Phi năm thứ 5 liên tiếp.
Khởi nghiệp bằng tiền đi vay
Năm 1977, sau khi tốt nghiệp Đại học Al Azhar, Aliko Dangote quay trở lại quê hương Nigeria với mong muốn gây dựng sự nghiệp kinh doanh của riêng mình.
Tuy nhiên, với một sinh viên trẻ mới ra trường, vấn đề vốn đầu tư luôn luôn là một câu hỏi khó. Không có gì thế chấp để vay ngân hàng, Aliko quyết định tìm đến bác của mình, ông Sanusi Abdulkadir Dantata để vay tiền.
Với số tiền 500.000 Naira (tương đương khoảng 3.000 USD), Aliko đã thành lập tập đoàn Dangote khởi đầu kinh doanh gạo và dầu thực vật. Sớm nhận thấy sự bùng nổ của ngành công nghiệp xây dựng ở Nigeria, Aliko lập tức chuyển sang hướng đi mới, kinh doanh xe tải và xi măng để tận dụng nhu cầu đang rất lớn từ thị trường.
Sau 37 năm phát triển, giờ đây, Dangote đã trở thành một “gã khổng lồ” trong giới kinh doanh ở châu Phi. Dangote có tới 21.000 nhân viên và kinh doanh một hệ thống đa dạng sản phẩm từ xi măng, đường (sản phẩm chiếm 70% toàn bộ thị trường Châu Phi) đến mì, đồ uống, bột mì … với tổng lợi nhuận thu về khoảng 2 tỷ USD mỗi năm.
Tham công tiếc việc
Với “ông vua xi măng”, khái niệm dừng chân là điều không bao giờ có trong từ điển kinh doanh. Chính vì thế, tập đoàn Dangote không ngừng mở rộng, từ sản xuất, kinh doanh đến xuất nhập khẩu. Thương vụ gần đây nhất của tập đoàn Dangote là việc đầu tư vào ngành công nghiệp viễn thông.
Aliko đã cho xây dựng hệ thống cáp quang kéo dài 14.000 km trải khắp đất nước Nigeria. Thương vụ này thành công đã đưa Dangote trở thành tập đoàn công nghiệp xây dựng lớn nhất đất nước này.
Bên cạnh ngành công nghiệp viễn thông, Dangote còn mạnh dạn đầu tư vào ngành dầu khí. Tập đoàn này đã xây dựng nhà máy lọc dầu trị giá 7 tỷ USD và tạo ra 400.000 thùng dầu mỗi năm cho Nigeria.
Dự án này không chỉ mang lại thành công cho Dangote mà còn giúp cho Nigeria trở thành một quốc gia dồi dào về dầu mỏ, thay vì chuyên đi nhập khẩu như trước đây.
Bản thân ông chủ của tập đoàn, Aliko Dangote cũng phải thừa nhận “Tôi là một người cực kỳ tham công tiếc việc. Tôi thích làm việc, ngủ ít và chưa bao giờ có kỳ nghỉ dài nào. Tôi thường bắt đầu công việc từ 5 giờ sáng mỗi ngày và điện thoại của tôi luôn mở 24/24”
Có vai trò quan trọng trong chính phủ Nigeria
Theo nhiều nguồn tin cho biết, Aliko và tập đoàn Dangeto của ông kinh doanh thuận lợi cũng vì ông có vai trò quan trọng trong các cuộc vận động chính trị ở Nigeria. Ông là người đã giúp cho cựu Tổng thống Nigeria – ông Olusegum Obasanjo tái đắc cử thành công vào năm 2003.
Trong suốt thời gian diễn ra cuộc bầu cử, Aliko đã chi ra khoảng 200 triệu Naira (tương đương 2 triệu USD) cho các cuộc vận động tranh cử của Obasanjo. Không những thế, ông còn đóng góp 250 triệu Naira cho các hoạt động của chính phủ Nigeria.
Kết quả của những việc làm này là Aliko nhận được sự ủng hộ và hậu thuẫn vô điều kiện từ Tổng thống Obasanjo cũng như chính phủ Nigeria.
Là một nhà từ thiện hào phóng
Nối tiếp sự nghiệp từ thiện của gia đình (mẹ của ông từng được vinh danh tại Đại học Bayero nhờ những cống hiến âm thầm cho các tổ chức từ thiện lớn nhất ở Nigeria), Aliko cũng rất chăm chỉ tham gia các hoạt động từ thiện.
Ông thành lập quỹ từ thiện Dangeto cách đây 20 năm và cho đến bây giờ, quỹ từ thiện của ông đã đóng góp 100 triệu USD cho các hoạt động từ thiện ở Nigeria và Châu Phi. Quỹ Dangeto chủ yếu chăm lo cho các hoạt động giáo dục, sức khỏe của trẻ em.
Quỹ này từng đóng góp 1 tỷ Naira cho trường đại học Nigeria, mà một nửa trong số đó là đầu tư cho việc phát triển ngành học kinh doanh của trường.
Đồng thời, quỹ từ thiện của Aliko còn hợp tác với quỹ Bill and Melida Gates của tỷ phú người Mỹ - Bill Gates trong việc chống bệnh bại liệt ở Nigeria. Aliko cũng đóng góp 2 triệu bảng Anh cho chương trình lương thực thế giới nhằm giúp đỡ người dân Pakistan sau trận lụt lịch sử năm 2010.
Không những thế, ông chủ Dangeto cam kết sẽ dành 1,2 tỷ USD trong tổng thu nhập của mình để đóng góp cho các tổ chức từ thiện khác trên thế giới.
Nguồn: cafebiz.vn